Ai Cập 1: Xe anh bon bon tới Luxor

Không biết từ lúc nào mà tôi gieo dần trong mình hạt giống ước mơ được tới Ai Cập, được trầm trồ những kim tự tháp và ngôi đền huyền bí của các vị vua Pha-ra-ông vĩ đại. Có thể là lúc 14 tuổi gửi mộng theo bộ truyện tranh “Nữ Hoàng Ai Cập”, hoặc là do hút hồn vào những thước phim rùng rợn của “Xác Ướp Ai Cập 1&2”; hay các đoạn phim tài liệu của kênh khoa học VTV4 lồng tiếng từ các khám phá của các nhà khoa học Âu Châu. Dù cho là vì sức mạnh vô hình nào đi nữa, tôi không phải chỉ là cô bé gái duy nhất trên quả địa cầu nhắm mắt và lầm rầm: ước gì một ngày..!

Thế mà có một ngày hôm nay thật! “Nhà mới” ở Cairo của chúng tôi cách quần thể kim tự tháp Giza trứ danh 20′ lái xe hơi. Tất nhiên là sẽ phải chiến đấu với hệ thống xe cộ ầm ĩ và bận rộn của 95% dân số sinh kế bám dọc theo con sông Nin. Chưa kể các luật lệ giao thông không-giống-ai ở nội đô khiến mỗi lần đi từ đâu về nhà là cũng thở hắt ra. Ấy thế mà sau một quãng rò rẫm thông tin, tôi và chồng đã quyết định lái xe từ Cairo tới Luxor.

hình vẽ mô tả trên mạng

Để dễ hình dung, thủ đô Cairo hiện tại nằm ở phía bắc, thuộc đồng bằng châu thổ Hạ Ai Cập, nơi có quần thể kim tự tháp Giza, kim tự tháp bậc thang Saqqara, kim tự tháp đỏ, và hàng loạt các kim tự tháp nhỏ hoặc đã bị bào mòn theo năm tháng (gần 5000 năm). Cố đô Luxor xuôi về phía nam, thuộc đồng bằng châu thổ Thượng Ai Cập. Tại sao lại như vậy? Định vị Thượng và Hạ Ai Cập là do hướng của dòng chảy sông Nin. Phía nam ở Ai Cập cao hơn hẳn phía bắc, sông Nin chảy từ hướng cao nguyên Đông Phi về hướng bắc đổ ra biển Địa Trung Hải, nơi có thành phố cảng biển Alexandria và kênh đào Su-ê.

Có nhiều ý nghĩ hâm dở trong đời người thường đột ngột xuất hiện khi bạn bất ngờ tỉnh giấc vào lúc 3 rưỡi sáng vì cả khát nước và buồn tè. Kiểu có một thế lực không-định-nghĩa nổi thôi thúc ý nghĩ “hôm nào sẽ đi” tới việc nhét vài bộ quần áo, bàn chải đánh răng, khăn lược vào hai cái ba lô và vali nhỏ. Kiểu như một chuỗi hành động ăn khớp tới độ não không kịp nghĩ; hoặc phủ nhận tất cả các nơ-ron cựa quậy khỏi cơn ngái ngủ; chân nhấn ga, tay xi nhan, nổ xe phi ra khỏi thành phố trước ánh sáng đầu tiên của ngày loé lên.

Sau 8 tiếng lái và 4 chặng nghỉ trên cung đường cao tốc bám theo Biển Đỏ, xe chúng tôi tiến vào địa phận tỉnh Luxor (vì lý do an ninh nên được khuyến khích không đi theo tuyến đường đồng bằng sông Nin, dù có ngắn hơn khoảng hơn 1 giờ chạy xe). Giờ là xế trưa, nắng đầu đông đổ xuống đường lấp loá; nhiệt độ ở vùng phía nam ấm áp hơn hẳn ở Cairo. Từ tháng 10 tới Tháng 2 là mùa cao điểm du lịch ở đây nếu như không có năm Rôna 2020. Lái xe từ ngoại ô vào tới khách sạn ở trung tâm Luxor trên những con đường thưa thãi. Các văn phòng du lịch, bán tua đóng cửa im lìm, xen kẽ vài cửa hàng thịt phơi những cái đùi bò to tổ chảng sát đường đi, vài người đàn ông mặc áo thụng đeo khăn quấn lái xe lừa với cái máng rau xếp ngay ngắn đi xuôi ngược. Chúng tôi lái chậm rãi tìm lối ngoành xe. Vài ba chiếc xe máy phóng vèo. Đối diện khách sạn chúng tôi tiến vào sảnh, dòng xe taxi địa phương đỗ dài dọc sông cùng với vài cái xe ngưạ du lịch. Năm sáu người đàn ông đang ngồi xúm ở vệ đường đứng dậy dơ tay chào rõ to: Ní-hảo Weo-căm! Tôi quay sang đùa lớn với chồng: “Kìa! họ chào Alex kìa– Rõ ràng mặt anh trông Tung Của quá mà!“.

Rõ ràng khi nói tới Ai Cập, ai cũng nghĩ ngay tới Kim tự tháp. Nhưng những hòn ngọc quý hiếm thực sự của Ai Cập Cổ đại lại được chôn vùi tại vùng phía nam này. Những hầm mộ nằm sâu dưới lòng đất, ngôi đền thờ phụng, những ký tự cổ được phục hồi gần như màu sắc nguyên bản. Tới tận khi được đặt chân vào sâu phía trong, rờ rẫm vào những cột đá cao ngất ngưởng, tôi vẫn không tưởng tượng nổi tại sao nền văn minh vĩ đại này lại xuất hiện sớm và tinh xảo tới nhường vậy.

Lịch trình thăm quan được trao đổi kĩ với anh tourguide người địa phương, một người tốt nghiệp Cử nhân ngành Ai Cập học, anh Wael. Thực sự anh Wael là người khiến chúng tôi mở mắt và trầm trồ về ý nghĩa của định dạng, thiết kế và kiến thức chung của vùng. Du lịch tự túc ở đây không hiếm, nhưng để hiểu được tại sao người ta lại trang trí màu xanh lá, đỏ, xanh dương ở mỗi bức tường, mái vòm hay dãy ký tự cổ lúc nào được dịch từ trái qua phải hoặc ngược lại thì anh Wael là người đồng hành tuyệt vời!

NGÀY 1: Kinh khí cầu + Đền Karnak + Đền Luxor

Tinh mơ sáng ngày hôm sau, chúng tôi mua tour đi kinh khí cầu ngắm toàn cảnh Luxor từ trên cao
Những dãy núi sa mạc được chiếu rọi nắng sớm chuyển từ màu cam sang đỏ đẹp mắt. Phía trái ảnh là Thung Lũng các Nhà Vua. Bên phải ảnh là Đền Thờ Nữ thần Hatshepsut

Tour tham quan với anh Wael bắt đầu từ 12 giờ trưa. Chúng tôi bắt đầu hành trình bằng Đền Karnak phía Bờ Đông. Tính tới thời điểm hiện tại, Đền Karnak là quần thể đền thờ ngoài trời lớn nhất thế giới. Đây là điểm đến nổi tiếng thứ hai tại Ai Cập sau Kim tự tháp Giza nhưng là nơi có số lượng check-in và ảnh instagram nhiều nhất. Ngôi đền được xây cất, mở rộng, thêm thắt trong gần 2000 năm qua nhiều thời đại vương triều nhiều pha-ra-ông.

Đền thờ được cung tiến tới thần Amun-Ra (Thần mặt trời), Vương hậu Mut/ Nefertari (Nữ thần được khắc hoạ với đầu sư tử) và con trai của hai người là Khonsu (thường được khắc hoạ với đầu chim ưng). [Đội ơn anh Wael]

Làm bô ảnh trước cổng vào
sững sờ tới kinh ngạc đứng giữa 6000m2 riêng tại The Great Hypostyle Hall. Khu điện này gồm 134 cột dựng khổng lồ đỡ mái che. Đây là lối kiến trúc xuất phát từ Hi Lạp Cổ đại.
Obelisks Bút Đá Tháp

Kim tự tháp đơn giản là hầm mộ, nơi chôn cất các xác ướp của các pha-ra-ông khi qua đời. Người Ai Cập cổ đại có niềm tinh mãnh liệt vào kiếp sau, cuộc đời khác khi họ chết đi ở thế giới này. Họ xây cất những Đền điện, khắc hoạ những ký tự lên cột đá, hầm mộ với mục đích dẫn đường cho linh hồn tới được thế giới bên kia. Họ mô tả chi tiết ước muốn, vật dụng, “kể” về cuộc sống ở thế giới này, “nhắc tên” thành viên trong gia đình, tự nhân hoá mình có phép thuật hoặc có những sức mạnh vô địch của các con vật. Tôi tò mò hỏi ý nghĩa của cái tên Karnak vì google mãi mà không tỏ. Anh Wael giải thích bằng nhiều giả thuyết khác nhau với những cái tên ban đầu của Đền. Tôi thích nhất phiên bản: karnak mô phỏng tiếng kêu của con ngỗng kn-ackkkk kknaackk, một loài vật thuộc họ gia cầm dữ tợn và máu chiến. Người Ai Cập cổ đại coi đây là linh vật cho việc cúng tế và lễ thần.

Bảng tính excel đầu tiên trong lịch sử loài người (?)
Đi mỏi chân, chụp mỏi tay mà chưa xem được hết
The Avenue of the Sphinxes tại Đền Karnak

Lối dẫn với hai hàng nhân sư sphinxe- tượng đầu dê mình sư tử. Đây là con vật theo trí tưởng tượng của người Ai Cập Cổ đại. Có khi tượng nhân sư này có đầu người mình sư tử (tượng nổi tiếng ở khu Giza) hoặc đôi khi đầu chim mình sư tử, đôi lúc là đầu cừu mình sư tử nhưng có cánh đại bàng.

Theo nguyên bản hàng tượng này gồm 1,350 tượng, chạy dài gần 3km từ Đền Karnak tới Đền Luxor. Sau vài nghìn năm thì nhiều tượng đã bị mất đầu, hoặc cụt chân hoặc bào mòn tiêu hao vì nắng nóng, gió bụi sa mạc. Chẳng thể tưởng tượng được di sản vĩ đại của nhân loại cứ nằm trơ trơ giữa giời như thế này. Được biết nhiều “báu vật” tượng, phiên đá ký tự cổ được trao làm quà cho các quốc gia Châu Âu, cụ tỉ là Pháp, thì được trang trọng nằm trong hộp điều tiết nhiệt độ cẩn trọng, hai lớp khoá, và vài vòng bảo vệ ở bảo tàng Louvre.

Đền Luxor nằm ở ngay khu trung tâm, từ Karnak lái về véo cái là tới.

Nhiều nghiên cứu cổ đại cho rằng, Đền Luxor là nơi làm lễ lên ngôi vua của tất cả các pha-ra-ông trong thời Tân Đế Chế (New Kingdom); thậm chí người ta còn tìm được bằng chứng Alexander Đại Đế cũng có lễ xưng vương tại đây. Đền được khởi sự khoảng 1390-1352 năm Trước CN, trong thời gian người La Mã tới đây cũng thêm thắt và để lại dấu ấn của mình. Đền Luxor bị cát chôn vùi trong một thời gian dài dằng dặc; tới độ người ta xây chồng lên đó một thánh đường hồi giáo mà không hề hay biết phía dưới đế là gì. Cái cảm giác linh thiêng giao thoa của nhiều nghìn năm cổ đại và tiếng adhan gọi cầu nguyện ngay lúc chúng tôi bước vào cổng Đền là đúng không thể tả được thành lời.

Những người gác đền trong giờ giải lao. Trang phục truyền thống áo trùng dài tới mắt cá chân và khăn quấn tím mơ mộng quá mà!
Hoàng hôn lùi dần sau ngôi đền hơn 2500 năm tuổi

NGÀY 2: Thung Lũng Các Hoàng Hậu + Đền Thờ Nữ thần Hatshepsut + Thung Lũng Các Nhà Vua

Điện thoại của cả chúng tôi đã đầy ắp ảnh là ảnh sau ngày 1. Ngày kế tiếp thì tràn ngập sắc màu của phía trong các hầm mộ. Lúc ngồi lựa để post lên blog này cứ tiếc rẻ mãi vì không thể khoe khoang hết được sự đồ sộ khi nhìn tận mắt.

Trước khi tới đây, các tìm hiểu trên mạng và thông tin có phần nghiêng nhiều về khu Thung Lũng Các Nhà Vua. Ai cũng tung hê phải xem hầm mộ này, tới chỗ kia chụp ảnh. Riêng khu Thung Lũng Các Hoàng Hậu thì dường như bí hiểm hơn. Tôi quyết định chọn khu Hoàng Hậu là điểm đến đầu tiên; sao mọi người có thể xem nhẹ sức mạnh của nữ quyền cơ chứ! Sau này lúc mua vé thì vỡ lẽ ra khu Hoàng Hậu ít mộ hơn và hầm mộ đặc biệt của Hoàng Hậu Nefertari phải mua vé vào cửa riêng, tính ra $110/vé (tính tới Tháng 12/2020). Vì đắt và độc nên bình thường vào mùa cao điểm khu Hoàng Hậu đã ít khách, nay vào năm dịch bệnh, thành thử chúng tôi có lẽ là 2 vị khách duy nhất lúc buổi sáng vào thăm hầm mộ này.

Trước cửa Hầm mộ Nefertari là bốt cảnh sát được trang bị 2 quả súng AK47 chắc nịch và 3,4 người gác đền đang ngồi quây quanh bàn uống trà. Theo luật lệ, tourguide không được phép vào phía trong mộ, mà chỉ có một người gác đền dẫn khách vào trong. Trước khi bước xuống cầu thang, tấm biển: 10 minutes only inside sơn đen sắc nét. Vì là vị khách đầu tiên trong ngày, tôi được mời mở khoá cửa chống bom của lối vào và ra duy nhất.

Tới tận giờ, hầm mộ này vẫn là nơi tôi thích thú nhất. Chồng tôi Alex thì gửi trọn tình yêu cho Đền Karnak vì những cột trụ khổng lồ.

Mộ Nefertari được giữ gìn và phục hồi ở trạng thái tuyệt vời. Nhiều bức tường vẽ dường như còn y nguyên như hàng ngàn năm trước.

Lối dẫn xuống hầm mộ Nefertari. Trần phía trên được trang trí bằng những con sao biển vàng trên nền xanh mực tượng trưng cho bầu trời và những ngôi sao lấp lánh.
Nefertari và bàn cờ vua; có lẽ đây là ghi chép về bộ môn này lần đầu tiên trong lịch sử loài người (?) YAZZ

Nefertari là vợ cả và là người nhận được nhiều tình cảm nhất của Vua Ramesses II (còn được gọi là Vua Ramesses Đại Đế – có tới 11 đời vua lấy cùng tên Ramesses). Vương hậu Nefertari còn có tên gọi khác là Mut.

Khi người ta khai quật chính thức hầm mộ này vào năm 1904 thì chỉ tìm được phần đầu gối của Vương hậu; hoàn toàn không có ngọc ngà châu báu. Người ta cho rằng, các tên trộm mộ đã bê đi tất cả trước đó rất lâu. Người ta tính vé cao ngất cũng vì lý do muốn giới hạn người vào phía trong mộ; hạn chế hơi ẩm từ cả hơi thở của con người và sự di chuyển tạo ra độ rung. Hầm mộ này liên tục được bảo tồn, phục hồi tính tới hiện tại. Phần xác ướp đầu gối của Vương hậu giờ được trưng bày tại Bảo Tàng Quốc Gia Ai Cập tại Cairo.

CÓ ĐÁNG BỎ RA HƠN TRĂM ĐÔ ĐỂ VÀO PHÍA TRONG HẦM MỘ NEFERTARI HAY KHÔNG?

Tới tận giờ tôi vẫn không khỏi trầm trồ khi xem lại các bức hình chụp phía bên trong hầm mộ. Với cá nhân riêng mình; tôi cảm thấy thoả mãn và cho rằng việc đóng tay vào công tác bảo tồn, cai quản báu vật cuả nhân loại là điều xứng đáng!

Ảnh thô chụp bằng điện thoại, không hề có kích sáng hoặc tăng độ sắc nét. Các màu sắc của các bức hoạ gần như được phục dựng như nguyên bản.

Tất nhiên là 10′ sẽ không bao giờ là đủ để chụp được hết được các kiệt tác bên trong. Chúng tôi mần mò uốn éo trăm kiểu ảnh tới gần 30′ chưa ngoi lên mặt đất khiến một người gác đền khác phải chui xuống kiểm tra tình hình; thật ra là đuổi khéo- lên nhanh cho các anh đóng cửa còn ngồi ẩm trà tiếp!

Điểm dừng thứ hai là Đền Thờ Nữ thần Hatshepsut. Quả thực càng được nghe anh Wael giải thích thì hình tượng Nữ thần Hatshepsut càng hiện lên là một người đàn bà có cá tính mạnh mẽ; cộng với bản chất thông minh và có tố chất “con buôn”, Hatshepsut đã mở thông thương trao đổi thương mại với các quốc đảo và vùng lãnh thổ phía biển Đỏ của vùng Châu Phi (Land of Punt); bây giờ được biết tới là Ethiopia, Somania, Sudan vv… Đền thờ có ba tầng, các bức tường và cột trụ cũng được trang trí sinh động các trao đổi xuyên quốc gia này.

Lối dẫn lên khu Đền. Nhiệt độ lúc gần trưa này là 38C. Đây là cảnh tượng thưa thớt đáng sợ cho ngành công nghiệp du lịch Ai Cập trong năm 2020.

Toàn bộ các điểm dừng ở đây đều là ngoài trời. Sau khi leo ba tầng và đi từ góc trái tới góc phải trong cái nắng trưa thì sự hứng khởi chụp ảnh bị tụt xuống mức thấp nhất. Điều ấn tượng của tôi là các câu chuyện xưng vương của Hatshepsut sau khi chồng chết. Nhiều năm sau thì bị con riêng của chồng ép phải nhường ngôi. Cùng với đó là việc bị xoá đi nhiều bức khắc vẽ trạm trổ tại chính ngôi Đền của mình. Thậm chí ông vua con này còn xoá hết các trang lịch sử về nữ thần Hatshepsut khiến các nhà sử học loay hoay trong vòng nhiều năm mới hiểu rõ được ngọn ngành. Còn rất nhiều các chi tiết hay ho nữa, kể ra mất hay! Các bạn sang Ai Cập chơi thì mua tour đi tìm hiểu nhoaa!!

Nước. Nước. Nước uống! Dù là mùa mát mẻ hay ít mát mẻ hơn, đã đi chơi ở Ai Cập thì một điều khắc cốt ghi tâm là luôn phải uống nước liên tục đề phòng cơ thể bị mất nước. Tất cả các điểm tham quan đều nằm trên địa phận sa mạc mà không thấy được bất kì búi cỏ nào có thể chen chân mọc lên. Ấy thế mà người Ai Cập Cổ Đại đã tạo dựng lên một đế chế đồ sộ cùng với biết bao bí ẩn tới giờ chưa được giải đáp hết.

Điểm dừng tiếp theo & cũng là cuối cùng của chuyến đi là Thung Lũng Các Nhà Vua. Để đi hết được các khu di tích, hầm mộ và bảo tàng, anh Wael gợi ý ở chơi thêm 5 ngày nữa. Hai chúng tôi thở hắt ra!

TẠI SAO LẠI LỰA CHỌN SA MẠC?

Các ông Vua pha-ra-ông lựa chọn vị trí thung thũng giữa các dãy núi Al-Bahri bởi nỗi e sợ rằng các hầm mộ của mình sẽ bị cướp bóc. Họ tìm cách bịt kín các hầm mộ và mỗi hầm mộ được đào sâu ở mỗi hốc núi, giữ nét tự nhiên nhất có thể của quần thể núi đá.

Ở khu Thung lũng này, chúng tôi mua vé vào cửa đã bao gồm tham quan 3 hầm mộ được mở cho khách (tổng số 63 hầm mộ ở Thung Lũng Vua đã được tìm ra). Tôi được biết rằng công tác trùng tu vẫn đang được diễn ra do đó học luân chuyển mở cửa các hầm mộ khác nhau vào từng thời gian nhất định. Thiết kế của mỗi hầm mộ đều hoàn toàn khác nhau. Độ sâu phía dưới, các buồng nhánh, hoặc các trang trí tuỳ thuộc vào ông vua nào được chôn cất phía trong.

Thung lũng này được gọi một cái tên đầy truyền thuyết “Cánh cửa tới thế giới bên kia”. Người Ai Cập Cổ đại chuẩn bị rất kĩ lưỡng và tỉ mỉ cho cái chết của mình. Đối với loài người hiện tại, có lẽ thung lũng này là “cánh cửa mở ra thế giới kiếp trước” bởi biết bao các câu chuyện kì bí, các hình khắc trạm trổ mang tới cho chúng ta biết bao kiến thức về loài người 3000 năm trước; hoặc chí ít là vài nét về cuộc sống, niềm tin và tính cách của các Pha-ra-ông.

Khách du lịch địa phương đi theo từng nhóm gia đình và điện thoại ở chế độ live stream liên tục heehe
Hầm mộ của Vua Ramesse VI được coi là hòn ngọc quý của khu này. Tất nhiên họ bán vé riêng. 100 ghi-nê là khoảng 150 nghìn VND.
Bút nào tả cho đặng..!

Lúc bước xuống dưới phía trong hầm mộ Vua Ramese VI này, tôi sực nhớ ra vài đoạn phim của bộ phim tài liệu “Lời nguyền của Pha-ra-ông”. Trước đây, việc chụp ảnh phía trong hầm mồ là điều cấm kị, có một thời gian du khách phải mua vé chụp ảnh riêng và đắt gấp nhiều lần vé vào cửa. Hiện tại có lẽ do ngành du lịch ế ẩm, bản thân Chính phủ Ai Cập đang nỗ lực rất nhiều để phục hồi ngành công nghiệp không khói mang lại nguồn thu chính cho quốc gia này. Điện thoại cá nhân được chụp thoải mái.

đang tách tách mà tự dưng có quả xác ướp ú oà đứng đậy thì có mà chạy mất dép 🙂

Chuyến tham quan tính ra không rẻ nếu muốn đi xem hết các đền thờ, hầm mộ chính. Bộ Du lịch và Cổ Vật Ai Cập có bán các pass (vé bộ) $200 cho Luxor Pass được đi tham quan thoải mái tất cả các điểm du lịch tại Luxor. Nếu có thời gian dông dài và ham muốn lê tới tất thảy các địa điểm, thì việc mua pass này là đầu tư không tồi.

The Colossi of Memnon – bonus thêm quả dừng chân chỉ để check in cho đủ bộ tượng

Sau hai ngày marathon từ đền tới mộ, cả hai vợ chồng đều mừng rỡ vì không phải đi xem thêm nữa. Trước khi chào từ biệt, anh Wael dặn dò nhớ ghé lại sớm- trước khi khách du lịch nước ngoài ồ ạt tràn sang.

Egypt really has so much to offer.

Nana in Cairo

Jan. 2021

5 responses to “Ai Cập 1: Xe anh bon bon tới Luxor”

  1. Tháng 2 năm nay tớ cũng ở Ai Cập nhưng tiếc là ko vào Thung lũng hoàng hậu, nhìn mộ của Nefertari mê quá. Nhất định lần sau tớ sẽ khám phá Luxor và mấy cái mộ này kĩ càng hơn. Cậu tiếp tục viết về cuộc sống ở Ai Cập nhé, tớ cũng bị mê AC từ bé luôn

    1. Lúc tới pyramid Saqqara lần đầu tiên, tớ đứng lịm đi một lúc vì không tin nổi có ngày này-mình đứng ở sát kim tự tháp như trong phim trong truyện. Mê tít Ai Cập nhỉ! ❤

  2. Cho đến bây h tớ vẫn ko tin nổi và ko chấp nhận được sự thật sao cái kim tự tháp bậc thang đó nó lại có thể có từ hơn 4000 năm trước???? Dã man quá cậu ạ :))

  3. Wow! Hầm mộ Nefariti đẹp quá chị ơi. Phục hồi quá đỉnh. 110usd cũng đáng 🙂
    Hồi nào đến giờ em vẫn nghĩ vào hầm mộ không được chụp hình. Có chụp cũng đen thui. Nhưng nhìn ảnh chị chụp lên mê quá.

    1. Hello em, toàn bộ hình chụp trong mộ là bằng điện thoại hết đấy. Nếu như muốn mang máy ảnh pro vô thì phải mua vé cho máy ảnh 😛 Phía bên trong những hầm mộ mở cửa cho khách là họ đã decor xong hết rồi. 1 2 3 Diễn thôi

Leave a comment